Triệu chứng và biện pháp phòng trừ thối nhũn bắp cải
1. Triệu chứng và dấu hiệu bệnh
Bệnh hại trên hầu hết họ hoa thập tự nhưng quan trọng nhất là trên bắp cải. Bệnh thường gây hại nhiều trong mùa mưa, nhất là những đợt bắp cải được bón quá nhiều phân đạm, được gieo trồng với mật độ dầy, hay trồng trên ruộng đất thấp dễ ngập úng, ruộng đã trồng bắp cải trong nhiều vụ, nhiều năm liên tục, ruộng trồng xen với cây hành lá...
Bệnh thường xuất hiện sau khi bắp cải đã
cuốn gây hại từ đầu bắp lan dần xuống phía dưới hoặc từ gốc phát triển lên
trên. Ở lá bắp vết bệnh lúc đầu có dạng giọt dầu, dần dần biến thành màu nâu
nhạt, mô bệnh nhanh chóng lan rộng và thối nhũn, có mùi khó ngửi. Giới hạn giữa
vùng mô bệnh và mô khoẻ phân biệt rõ ràng. Lá ngoài cùng của cây bị héo rũ vào
ban ngày đến ban đêm có thể phục hồi. Nếu bệnh tiếp tục phát triển thì lá không
thể phục hồi được, héo rũ cụp xuống để lộ rõ bộ phận bắp cải. Lúc này bắp cải
dễ gãy, cây đổ ngã trên mặt đất và thối nhanh chóng. Nếu nhiệt độ và ẩm độ cao
thì toàn bộ lá trên cây bị thối nhũn màu nâu. Trong mô bệnh ở lá cũng như ở thân
cây chứa đầy chất dính màu vàng xám, đó là dịch vi khuẩn gây bệnh. Bộ phận mô
cứng, dày như rễ và thân già hoá gỗ cũng có thể bị bệnh phá hại, vết bệnh màu
nâu đen giới hạn trong phạm vi hẹp, không lan rộng và không thối nhũn
điển hình. Ngoài gây hại trên bắp cải ra thì bệnh có thể gây hại trên
nhiều loại cây trồng khác nhau như: Xà lách, Dưa, Bầu, Bí, Ớt, ...Trong điều
kiện khô nắng, các vết bệnh phía ngoài đỉnh bắp bị khô tạo thành các màng mỏng
và trong. Sau thu hoạch, trong quá trình bảo quản cất giữ, bệnh có thể tiếp tục
lan sang các bắp lành, làm thối hàng loạt.
Bệnh thối nhũn do vi khuẩn gây ra dễ bị
nhầm với bệnh thối do nấm gây ra nếu không tìm hiểu kĩ về bệnh này. Bắp cải bị
thối có hai nguyên nhân gây ra (do nấm thối hạch và do vi khuẩn thối nhũn
gây ra). Cần nhận biết và phân biệt rõ với những triệu chứng sau:
Thối do nấm:
- Do nấm tồn tại trong đất trồng, tàn dư
gây ra.
- Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ, mất
màu sau đó nhũn ra.
- Bệnh gây thối từng lớp lá từ trên xuống
dưới.
- Gặp độ ẩm không khí cao thấy có lớp tơ
màu trắng bao phủ vết bệnh. Không có mùi khẳn.
- Thuốc trị bệnh: Validacin3L, Rovral50WP,
Anvil5SC, Bennomyl 50WP…
Thối nhũn do
vi khuấn:
- Do vi khuẩn tồn tại trong đất trồng, tàn
dư gây ra
- Lúc đầu thấy xuất hiện một số lá bị héo
vào buổi trưa, tươi lại buổi chiều.
- Bệnh làm thối mềm phần trong của cây
(lõi) rồi sau đó làm thối nhũn cả bắp.
- Độ ẩm cao, thối nhũn càng nặng và ngửi
vết bệnh thấy có mùi khẳn đặc trưng của hiện tượng thối nhũn do vi khuẩn.
- Không có thuốc trị bệnh mà chỉ có thuốc
phòng: Kasumin 2L, Starner20WP,New Kasuran 16,2 WP, Rovral 50WP…
Hiện tượng thối hỏng là hậu quả của
quá trình phá vỡ cấu trúc mô tế bào của cây do tác động chủ yếu của các enzyme
phân giải của vi khuẩn, toàn bộ thịt lá bị thối biến thành một khối nhão và có
mùi khó ngửi.
- Chú ý: Khi gặp thời tiết có mưa, để
phòng bệnh thối nhũn cải bắp, người trồng không nên xới xáo làm đứt rễ cây hoặc
vặt lá gốc cây. Đồng thời, cần trừ sâu ăn lá (sâu xanh) nếu có sâu gây hại. Khi
ruộng bị nhiễm bệnh, không nên tưới nước vào chiều mát.
2. Đặc điểm phát sinh và phát triển của
bệnh
Vi khuẩn gây bệnh lưu tồn trong xác bã thực
vật, tàn dư cây trồng, rễ cây bệnh thối mục trong đất và xâm nhập qua các vết
thương như các sẹo lá, vết thương do côn trùng cắn đốt (như là rệp hay bọ
nhảy,…), vết thương cơ học khi chăm sóc nuôi trồng và khi thu hoạch hay vận
chuyển, vết bệnh do các mầm bệnh khác, cũng có thể do động vật ăn cỏ hay gió,
v.v...
Vi khuẩn phát triển thích hợp ở nhiệt độ 27
- 30oC, độ PH thích hợp là 7 thời tiết ẩm độ cao, nhiệt độ cao rất thích hợp
cho sự xâm của vi khuẩn.xâm nhập vào cây qua vết thương. Bệnh phát triển mạnh
trong điều kiện thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều.Bệnh thối nhũn phát sinh phát
triển mạnh ở đất trồng cải bắp đã nhiễm bệnh vụ trước. Những ruộng thoát nước
kém, bón thừa phân đạm thường bị bệnh nặng hơn.Bệnh lây nhiễm từ cây bệnh sang
cây mạnh trong khi thu hoạch và vận chuyển sau thu hoạch hoặc trong khi tồn
trữ. Trong môi trường bảo quản vết bệnh sẽ lây lan nhanh chóng khi cải bắp hô
hấp mạnh tạo ra nước và tăng nhiệt độ.
3. Biện pháp phòng chống
+ Cày bừa kỹ, phơi ải đất, lên luống cao
(20 - 30 cm) và rộng (1 - 1,2 m) không nên làm luống quá thấp trừ nơi đất cát,
giữ ẩm kém hoặc bị khô hạn.
+ Thực hiện chế độ luân canh cây trồng
thích hợp như lúa, ngô, đậu, ...( Luân canh với cây họ hòa thảo là tốt nhất vì
vi khuẩn gây bệnh sẽ bị tiêu diệt trong thời gian ngập nước).
+ Thu dọn cây bệnh đem tiêu hủy, bón phân
cân đối hợp lý, sử dụng phân chuồng hoai mục, khi vun sới không nên cuốc quá
sâu,tránh gây xây sát va chạm nhiều vào gốc cây để tránh lây lan bệnh qua dụng
cụ lao động, diệt trừ các loài côn trùng có thể truyền bệnh ( Rệp, bọ nhảy…).
+ Trồng với mật độ vừa phải, không quá dày.
Khi tưới nước cho cây thì nên tưới vừa phải không quá ẩm và tưới rãnh không nên
tưới vào gốc.
+ Chọn giống khỏe sạch bệnh, mang gen
kháng,…
+ Biện pháp sinh học: Sử dụng chế phẩm vi
sinh vật đối kháng
+ Biện pháp hóa học: Bệnh thối nhũn cải bắp
do vi khuẩn gây ra không có thuốc trị bệnh mà chỉ có thuốc phòng, cần xử lý kịp
thời bằng các loại thuốc như: Kasumin 2L, Starner20WP, New Kasuran 16,2 WP,
Rovral 50WP, Canthomil 47 WP, Timan 80WP, Alfamil 25 WP, Vimix 13.1 DD,…
Nhận xét
Đăng nhận xét