Chuyển đến nội dung chính

Chính sách quyền riêng tư,

Mười nguyên tắc đảm bảo cho sử dụng phân bón hợp lý

 Mười nguyên tắc đảm bảo cho sử dụng phân bón hợp lý


Một là: Bón phân hợp lý cho cây là tìm mọi cách phối hợp tốt với thiên nhiên để tạo ra sản phẩm có ích cho con người chứ không phải là chinh phục, là áp đặt ý muốn của con người lên thiên nhiên.

Nông sản là sản phẩm của quá trình chu chuyển vật chất trong thiên nhiên, cho nên con người muốn thu được nhiều nông sản thì cần nắm bắt được các quy luật chuyển hóa vật chất và tác động làm cho quá trình chu chuyển vật chất diễn ra với quy mô lớn, cường độ mạnh, tốc độ nhanh.

Bón phân là để tác động lên quá trình chu chuyển vật chất trong tự nhiên. Việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng không hoàn toàn là để cây trực tiếp tạo ra nông sản mà là để phối hợp tốt với thiên nhiên tạo ra sản phẩm trong quá trình chu chuyển vật chất.

Hai là: Đối với thiên nhiên mọi tác động chỉ cần vừa đủ, mọi thứ thừa hay thiếu đều gây hại cho mọi hoạt động bình thường của nó.

Theo cảm tính, nhiều người cho rằng cái gì đã tốt thì càng nhiều càng tốt, cái gì đã xấu thì càng nhiều càng xấu.

Bón phân quá nhiều hoặc với liều lượng cao đều gây tác hại cho cây, thậm chí làm cho cây chết. Nguyên tố đồng (Cu) là phân vi lượng đối với cây, nhưng phun với nồng độ cao (trên 1%) làm cho lá cây bị cháy. Trong việc bón phân cho cây, điều quan trọng là không những không để cây bị thiếu đói, mà còn phải không bón thừa bất cứ chất dinh dưỡng nào cho cây.

Cần lưu ý là sức chịu đựng cũng như mức độ tiếp thu các tác động từ bên ngoài của các bộ phận trên cây rất khác nhau. Đối với một loại phân bón có thể đối với bộ phận này là thừa nhưng đối với bộ phận khác có thể là chưa đủ. Chính vì thế mà có những loại hóa chất chỉ có thể bón cho cây vào đất mà không thể phun lên lá được.

Điều đáng chú ý là cho đến nay, trong trồng trọt, do tâm lý sợ thiếu, cho nên người nông dân đã làm nhiều việc quá thừa, trong khi đó nhiều việc cần làm lại không biết để làm.

Nếu có những hiểu biết đầy đủ hơn về cây trồng, hiểu được những nhu cầu của cây và con đường mà thiên nhiên thường đáp ứng nhu cầu cho nó, hiểu được các mối quan hệ giữa các loài sinh vật trong hệ sinh thái con người có thể tiết kiệm được bao nhiêu việc làm thừa, đồng thời chỉ cần tiến hành những việc làm thật hợp lý để đạt được những khối lượng nông sản lớn.

Ba là: Thiên nhiên còn nhiều điều mà con người chưa biết hết, vì vậy không được chủ quan khi sử dụng phân bón.

Khoa học ngày càng phát triển nhanh, thành tựu của khoa học ngày càng nhiều, nhưng con đường khám phá thiên nhiên đang còn dài và còn nhiều quanh co khúc khuỷu. Thái độ chủ quan, cho rằng chúng ta đã có những hiểu biết quá đủ là không phù hợp, là có thể dẫn đến những sai lầm.

Điều đáng lo ngại là con người coi thường những gi chưa biết trong thiên nhiên và cho rằng những gì khoa học đã biết đủ cho con người hoạt động theo ý muốn của mình. Nhiều thất bại trong sản xuất có nguồn gốc từ sự ngộ nhận này.

Để có thể bón phân hợp lý, cần thường xuyên quan sát và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất, kinh nghiệm tích lũy được qua nhiều năm kết hợp với những  hiểu biết khoa học, những kết quả của nghiên cứu khảo nghiệm giúp chúng ta ngày càng nâng cao mức độ hợp lý của việc bón phân.

Bốn là: Trong thiên nhiên sống, các loại sinh vật tồn tại và phát triển trong các mối liên hệ chặt chẽ với nhau và với thế giới không phải sinh vật.

Các kết quả nghiên cứu khoa học được tiến hành trong các phòng thí nghiệm, trong các chậu vại, trong các ô thí nghiệm thường rất xa so với điều kiện môi trường sống của cây trên đồng ruộng. Nhiều trường hợp, muốn có được kết quả như đã thu được trong phòng thí nghiệm người ta phải đầu tư rất tốn kém để tạo được môi trường và điều kiện tương tự như trong phòng thí nghiệm. Khi không có được những điều kiện này, các kết quả khoa học thường phát huy tác dụng rất kém, thậm chí còn làm nẩy sinh nhiều vấn đề và người nông dân lại phải lao theo để giải quyết. Như thế, phải làm thừa ra bao nhiêu việc mà đáng lẽ không phải làm.

Thực tế cho thấy: những phương pháp bón phân nào mà không chú ý đến các loài sinh vật khác trên đồng ruộng, không chú ý đến các mối quan hệ chàng chịt giữa chúng với nhau, thì đó chỉ là những việc làm vô nghĩa và có khi có hại.

Năm là: khoa học phân bón giúp ta bón phân hợp lý, tuy vậy nếu quá chuyên biệt trong lĩnh vực này sẽ làm cho kiến thức, hiểu biết của ta về thiên nhiên trở nên manh mún và có nguy cơ dẫn đến thất bại.

Các ngành khoa học ngày càng chuyên hóa để đi sâu tìm hiểu kỹ đối tượng nghiên cứu. Người ta đã chú ý đến tình trạng này và thấy được nguy cơ của siêu hình. Vì vậy, đã có nhiều cố gắng để liên kết các ngành khoa học, nói đến những khoa học liên ngành.

Tuy nhiên, việc bón phân hợp lý để tạo ra năng suất cây trồng cao, bảo vệ tốt môi trường không chỉ đơn thuần là sự liên kết, sự giao thoa, sự liên ngành của một số lĩnh vực khoa học khác nhau, mà là sự tìm tòi nghiên cứu trong một lĩnh vực khoa học mà đối tượng của nó là sự sống, là quá trình tạo thành năng suất kinh tế. Đây là một loại đối tượng tổng hợp mà càng chia nhỏ ra, càng chuyên biệt hóa, càng đi xa khỏi bản chất của đối tượng nghiên cứu.

Sáu là: trong các hệ sinh thái, mọi tác động từ bên ngoài đưa vào hệ, thường tạo ra những phản ứng dây chuyền, lan rộng ra trong không gian theo các mạng lưới dinh dưỡng, năng lượng thông tin.... và kéo dài theo thời gian cho đến khi toàn bộ hệ sinh thái thiết lập được trạng thái cân bằng mới.

Mỗi hiện tượng xẩy ra trong hệ sinh thái đều là kết quả của nhiều nguyên nhân, mặt khác một nguyên nhân có thể dẫn tới những kết quả khác nhau.

Từ một hiện tượng là năng suất cây trồng thấp có thể có một chuỗi các nguyên nhân và kết quả với 7 bậc nhân - quả (xem sơ đồ trên) khác nhau. Trong thực tế, một hiện tượng xẩy ra có thể có nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân này lại có những nguyên nhân khác đi trước trong một mạng lưới các sự kiện vì yếu tố đan chéo vào nhau tỏa ra đến vô tận.

Bón phân cũng như những biện pháp kỹ thuật canh tác khác thường không chỉ gây ra một tác động trực tiếp dẫn đến một kết quả nào đó, mà thường có nhiều tác động lên các thành tố trong hệ sinh thái và có thể dẫn đến những kết quả rất khác nhau trong đó có thể có những kết quả mà con người không ngờ tới.

Do đặc điểm của quá trình phản ứng dây chuyền và quá trình tiếp nhận các tác động từ bên ngoài vào các hệ sinh thái mà có thể có những tác động rất mạnh nhưng không ra hiệu quả gì đáng kể, trong khi đó, có những tác động nhẹ nhàng, nhưng được nhân lên trong phản ứng dây chuyền và tạo nên những hiệu quả rất lớn.

Bón phân hợp lý có thể không cần sử dụng những lượng phân bón mà có thể đạt được hiệu quả rất cao.

Bảy là: đối với thiên nhiên không có cái gì là tốt, cũng không có cái gì là xấu

Con người phân biệt ra trong thiên nhiên có cái tốt, cái xấu. Tốt xấu ở đây được đánh giá trên cơ sở lợi ích của con người. Từ việc phân chia các sự vật và hiện tượng thành 2 nhóm tốt và xấu con người thường cố công để loại trừ, tiêu diệt những cái xấu và nhân lên, tăng thêm những cái tốt, với hy vọng là thu được lợi ích lớn. Đối với thiên nhiên, mọi thứ đều có vị trí của nó và cần thiết cho sự hài hòa và phát triển. Bằng các tác động đưa thêm cái “tốt” và loại bỏ cái “xấu” con người đã phá vỡ cân bằng trong các hệ sinh thái. Và như vậy, các tác động của con người đã thúc đẩy hoạt động của cơ chế điều tiết của hệ sinh thái để thiết lập trạng thái cân bằng. Với hoạt động của cơ chế này, những tác động của con người bị trung hòa và bị triệt tiêu. Hy vọng thu được lợi ích lớn không những không đạt được, mà những đảo lộn trong hệ sinh thái có thể dẫn đến nhiều hiệu quả tiêu cực.

Bón phân, con người nghĩ rằng đó là đưa điều tốt đến cho cây, vì vậy càng nhiều càng tốt. Thế nhưng hiệu quả của việc bón phân chỉ có thể thu được khi bón hợp lý, có nghĩa là phù hợp với hiệu quả bình thường của hệ sinh thái nông nghiệp. Bón phân không hợp lý sẽ gặp phải phản ứng chống lại của hệ sinh thái đồng ruộng có thể dẫn đến những hậu quả xấu.

Tám là: trong nông nghiệp, không thể cải thiện thể hữu cơ thống nhất, chỉ bằng cách thay thế từng bộ phận của thể đó.

Cây trồng, hệ sinh thái nông nghiệp là những hệ thống thống nhất và hoàn chỉnh. Trong hệ thống đó, mỗi bộ phận đều có vị trí và chức năng của mình. Mỗi bộ phận trong hệ thống được quy định không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố bên trong bộ phận đó, mà còn phụ thuộc vào các bộ phận kế cận, các bộ phận xung quanh và vào toàn bộ hệ thống.

Bón phân cho cây trồng chúng ta muốn tăng chất dinh dưỡng cho cây để cây tạo ra nhiều sản phảm cho con người. Tuy nhiên, cây trồng là một số bộ phận của hệ sinh thái đồng ruộng. Chúng ta không thể cải thiện một bộ phận của hệ sinh thái là cây trồng mà không tính gì đến các bộ phận khác của hệ sinh thái đó. Nhiều trường hợp bón phân không mang lại kết quả là do chúng ta gặp phải những phản ứng điều tiết của hệ sinh thái.

Bón phân hợp lý là có tính toán đầy đủ đến các yếu tố trong hệ sinh thái, tạo sự hài hòa trong toàn bộ hệ sinh thái đồng ruộng, đồng thời thúc đẩy các hoạt động của toàn bộ hệ sinh thái hướng tới việc tạo ra năng suất cao.

Chín là: nền nông nghiệp tiến bộ phải là nền nông nghiệp nuôi dưỡng được con người cả thể xác lẫn tinh thần.

Bón phân là để làm tăng năng suất cây trồng. Năng suất đó phải đáp ứng được nhu cầu của con người. Vì vậy, nếu phân bón còn lại để lại dư lượng trong nông sản, nếu trong nông sản có nhiều NO3, nhiều kim loại nặng thì nông sản đó không đáp ứng được nhu cầu của con người.

Phân bón có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nông sản. Đối với các sản phảm cây công nghiệp, cây dược liệu, cây hương liệu, cây tinh dầu .... bón phân không hợp lý có thể làm giảm phẩm chất nông sản rất đáng kể.

Phân bón có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cất giữ, bảo quản và chuyên chở nông sản. Sản phẩm rau quả chứa nhiều đạm, nhiều nước rất chóng thối hỏng.

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của con người về vật chất, nông nghiệp còn đáp ứng nhu cầu của con người được lao động, được tiếp xúc với thiên nhiên, được khám phá những điều bí ẩn của thiên nhiên. Bón phân không hợp lý thường để lại trong môi trường đất, nước, không khí những dư lượng phân bón có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, đến tâm trạng con người. Càng ngày việc thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần của con người càng tăng lên. Vai trò của nông nghiệp trong việc đảm bảo ổn định cuộc sống, ổn định xã hội cũng ngày một được nâng cao.

Bón phân hợp lý không những phát huy đến mức cao hiệu quả của phân bón mà còn đảm bảo cho môi trường trong lành và thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng tiến bộ.

Mười là: cần có cách nhìn toàn diện, đừng để bị hoàn cảnh lung lạc.

Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, khi tiếp xúc với bất kỳ loại cây trồng nào cũng không thể tách rời chúng ra khỏi điều kiện sống của nó, mà phải có cách nhìn toàn diện và đặt đúng vị trí của nó trong hệ sinh thái đồng ruộng. Thông thường người làm nông nghiệp chỉ biết có cây trồng mà quên mất cây trồng tồn tại và phát triển trong hệ sinh thái.

Kết quả của sản xuất nông nghiệp thường chịu ảnh hưởng rất lớn của điều kiện cụ thể từng địa phương cũng như điều kiện khí hậu thời tiết của từng năm. Người nông dân thường lấy kinh nghiệm sản xuất của năm nay để áp dụng cho năm sắp tới.

Như vậy, việc tiến hành sản xuất nông nghiệp của nông dân thường chịu ảnh hưởng của cái nhìn hẹp và ngắn.

Muốn đạt được kết quả tốt, người nông dân cần có cái nhìn toàn diện, đồng thời cần biết cách thoát ra khỏi hoàn cảnh cụ thể của một năm sản xuất, không để cho hoàn cảnh lung lạc mình và phải có cách nhìn vượt lên trên không gian và thời gian, cố gắng đi vào bản chất của các hiện tượng. Cách nhìn này không phải là không dựa trên cơ sở thực tế mà là cách nhìn xuyên sâu vào bản chất của thực tế, làm cho thực tế hiện rõ lên, không bị những nhiễu loạn nhất thời làm che mất bản chất.

Bón phân hợp lý là tìm ra những kết luận từ việc phân tích toàn diện hệ sinh thái nông nghiệp, phân tích thực chất các hiện tượng đã diễn ra, dự báo những hiện tượng và trạng thái có thể xuất hiện trong vụ tới để đề ra giải pháp bón phân mang lại hiệu quả cao nhất về kinh tế, xã hội cũng như môi trường.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hướng dẫn trồng và chăm sóc mướp hương (Luffa Plant)

  Sơ lược về cây mướp Mướp hương (  Luffa aegyptiaca)  là một loại bầu lớn, thời gian phát triển lâu hơn nhiều so với các  loại bầu  khác  , khoảng 90 đến 120 ngày.  Và một khi quả đã đạt đến kích thước trưởng thành, bạn cần tính toán trong vài tuần để nó phát triển các sợi bên trong dai và khô trên cây nho trước khi bạn có thể thu hoạch.  Đó là tổng số 150 đến 200 ngày ấm áp, không có sương giá. Điều bạn có thể chưa biết về mướp là khi còn non và mềm, mướp là loại rau ăn được trong họ dưa leo, có thể ăn sống hoặc nấu chín.  Tuy nhiên, trái cây phát triển quá nhanh, khoảng một inch rưỡi mỗi ngày, nên rất khó để thu hoạch đúng thời gian, vì vậy tốt nhất bạn nên trồng mướp để lấy bọt biển và để chúng phát triển dài khoảng hai feet. Bởi vì dây leo bằng lăng có thể đạt chiều dài lên đến 30 feet(9m), nên trồng chúng trên giàn là tốt nhất, và không chỉ vì lý do không gian.  Mướp được trồng trên mặt đất có xu hướng cong lên, và giữ cho dây leo và quả trên mặt đất và khô sẽ giảm nguy cơ bị bện

Các dạng sản phẩm sử dụng cây Sâm Ngọc Linh trong y học cổ truyền.

  Cây Sâm Ngọc Linh là loài thực vật quý hiếm và được sử dụng trong y học cổ truyền từ lâu đời. Cây Sâm Ngọc Linh chứa các thành phần hóa học quý giá như saponin, polypeptide, flavonoid, polyphenol và một số dưỡng chất khác có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Dưới đây là một số dạng sản phẩm sử dụng cây Sâm Ngọc Linh trong y học cổ truyền: Sâm Ngọc Linh tươi: Lá và rễ Sâm Ngọc Linh có thể được sử dụng tươi để chế biến thành thức uống hoặc thực phẩm chức năng để bổ sung các dưỡng chất quý giá cho cơ thể. Sâm Ngọc Linh khô: Rễ và thân của cây Sâm Ngọc Linh được phơi khô và chế biến thành các sản phẩm bột, viên nang hoặc viên uống để sử dụng trong y học cổ truyền. Sâm Ngọc Linh nước: Sâm Ngọc Linh được đun sôi trong nước và uống hàng ngày để bổ sung dưỡng chất và tăng cường sức khỏe. Sâm Ngọc Linh mật ong: Sâm Ngọc Linh được trộn với mật ong để tạo thành sản phẩm có tác dụng bổ sung năng lượng, tăng cường sức đề kháng và giúp giảm stress. Sâm Ngọc Linh viên đặt: Viên đặt được chế

Cách trồng và chăm sóc bèo cái (Water Lettuce)

  Trồng và chăm sóc bèo cái Như tên gọi của nó, bèo cái là một loại thực vật  nổi trong  ao  với những chiếc lá hình hoa thị  giống như đầu của cây rau diếp.  Mỗi lá đều có gân sâu và các gân song song, mép hình vỏ sò, không có thân đáng kể.  Mặc dù không sặc sỡ, nhưng cây  bèo cái  lại tạo ra những bông hoa nhỏ màu trắng hoặc xanh nhạt ẩn trong những tán lá.  Nó nở hoa từ cuối mùa hè đến cuối mùa thu. Bèo cái  có thể được sử dụng trong vườn nước, ao hồ, hoặc các thùng chứa cả  trong nhà  và ngoài trời.  Tán lá của loài cây này chỉ cao khoảng 6 inch 12cm, nhưng hệ thống rễ dày đặc của nó dưới nước có thể sâu tới 20 inch 40cm.  Nó là một loài sinh trưởng rất nhanh sau khi trưởng thành và được coi là một loài thực vật xâm lấn  ở một số khu vực nhất định.  Chăm sóc  Bèo cái   Để thêm  Bèo cái    vào ao hoặc vườn nước, chỉ cần rải loại cây nổi này trên mặt nước vào mùa xuân.  Tốt nhất, hãy chọn chỗ không có dòng chảy, vì những cây này không phát triển tốt khi bị đẩy qua mặt nước.  Nếu có d