Kỹ thuật trồng, chăm sóc và bón phân cho cây tỏi tây
Tỏi tây là một loại rau gia vị cao cấp, có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, trong những năm gần đây, nhiều hộ gia đình các vùng chuyên canh rau như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Đà Lạt và các huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào gieo trồng nhiều giống tỏi tây từ Pháp, Mỹ...
1. Cách trồng và chăm sóc cây tỏi tây
- Thời vụ trồng cây tỏi tây: Khác với các
giống tỏi ta trồng để lấy củ, tỏi tây dùng để ăn lá, ăn thân nên có thể gieo
trồng nhiều vụ trong năm, nhưng thuận lợi nhất là tỏi chính vụ (tháng 9-10 để
thu hoạch tháng 11-12) và vụ xuân (tháng 2-3 để thu hoạch tháng 4-5).
- Làm đất trồng tỏi tây: Chọn đất tơi xốp,
nhiều mùn, thoát nước tốt, không chua, pH từ 6-6,5 là thích hợp. Đất được cày
bừa kỹ, phơi ải tốt để hạn chế các loại nấm bệnh tồn lưu trong đất. Bừa nhỏ lại
một lần nữa rồi lên luống cao 20-30cm, rộng 1-1,2m. Trước khi lên luống cần bón
20-25 tấn phân chuồng hoai mục (lượng phân tính cho 1 ha) rồi bừa trộn đều với
đất hoặc lên luống xong, rạch hàng (cách nhau 20-25cm), bón phân chuồng và
400-500kg lân + 400kg kali trộn đều, rải phân theo rãnh rồi lấp đất lại chờ cấy
tỏi.
- Cách trồng cây tỏi tây: Có thể gieo thẳng
hạt giống rồi chăm sóc hoặc gieo ươm cây giống rồi đem cấy ra ruộng để chăm
sóc, trong đó cách cấy chuyển là tốt nhất, được sử dụng phổ biến hơn cả. Đất để
gieo ươm cây giống cần làm tơi nhỏ, san phẳng và gieo với lượng hạt giống
2-3g/m2 rồi phủ một lớp đất bột mỏng và một lớp rơm rạ dày 1-2cm đã được cắt
nhỏ 4-5cm để giữ ẩm và tránh bị xói hạt khi tưới nước. Có thể làm giàn che bằng
khung tre, phủ nylon để che khi bị mưa to. Khi cây giống mọc được 20-25 ngày,
có 2-3 lá thì nhổ, cắt bớt một ít rễ và lá ngọn rồi cấy sâu 3-4cm theo rãnh đã
được bón phân từ trước với khoảng cách giữa các cây là 10-15cm. Trồng xong dùng
rơm rạ phủ kỹ trên mặt luống vừa hạn chế cỏ dại, giữ ẩm vừa làm cho đất thêm
tơi xốp, tỏi sinh trưởng tốt. Tưới nước, giữ ẩm thường xuyên.
- Bón phân thúc cho cây tỏi tây: Có thể
dùng nước giải pha loãng 30% hoặc đạm để bón 3-5 lần trong thời gian sinh
trưởng (mỗi lần 3kg/1 sào Bắc Bộ). Thường xuyên xới xáo, làm sạch cỏ và vun gốc
cho cây.
- Phòng trừ sâu bệnh hại cây tỏi tây: Chú ý
phòng trừ các loại sâu khoang ăn lá, rệp muỗi kịp thời bằng các loại thuốc trừ
sâu thông dụng. Tốt nhất là nên phun bằng các loại thuốc trừ sâu vi sinh hoặc
bằng thuốc thảo mộc và chú ý thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Trên ruộng
tỏi thường thấy bệnh sương mai (Peronospora Destructor Unger) xuất hiện và gây
hại khi nhiệt độ thấp, ẩm độ cao vào các tháng 1-2. Phun phòng bằng dung dịch
Boóc-đô 15, hoặc Zineb 3%, Ridomil 1%. Những ngày có sương nên tưới nước để rửa
sương khỏi lá tỏi hoặc rắc tro bếp lên cây để hạn chế sự gây hại.
2. Thu hoạch cây tỏi tây
Thời gian sinh trưởng của tỏi tây khoảng 3
tháng, tuy nhiên sau khi trồng khoảng 60 ngày có thể nhổ tỉa để ăn dần hoặc đem
bán được. Nhổ tỉa 3-4 lần cách nhau 3-5 ngày. Thu hoạch tỏi vào những ngày râm
mát hoặc vào sáng sớm, chiều tối.
Năng suất: Nếu trồng thuần, có thể đạt
20-25 tấn/ha. Trồng xen với các loại rau khác thì dao động từ 10-15 tấn/ha.
Nhận xét
Đăng nhận xét