Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây bông vải
1. Phòng trừ dịch hại tổng hợp là gì?
Sử dụng tổng hợp các biện pháp phòng và trừ
dịch hại, để ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của dịch hại đến
cây trồng.
2. Nguyên tắc phòng trừ dịch
hại tổng hợp trên cây Bông vải
2.1. Trồng cây khỏe
- Chọn giống bông tốt, có nguồn gốc rõ
ràng, phù hợp với điều kiện của địa phương.
- Giống do các chi nhánh của các Công ty
bông tại các địa phương cung cấp.
- Trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật để cây sinh
trưởng tốt có sức chống chịu và cho năng suất cao.
2.2 Bảo vệ thiên địch
- Thiên địch là sinh vật có ích, sử dụng
nguồn thức ăn chính là sâu hại do đó có tác dụng kìm hãm mật độ sâu hại một
cách đáng kể.
- Trên các ruộng bông, có hơn 1.000 loài
sinh vật nhỏ bé sinh sống, như côn trùng, nhện, nấm, vi khuẩn, virus,... trong
đó có tới 80 - 90% là những loài vô hại cho cây bông, thậm chí nhiều loài còn
có ích vì chúng là kẻ thù tự nhiên của sâu bệnh hại cây bông.
Ở nước ta, các loài có ích trên cây bông,
bước đầu cũng được các nhà nghiên cứu ghi nhận tới hơn 100 loài, bao gồm những
côn trùng ăn thịt hoặc đẻ trứng ký sinh vào sâu hại; loài nhện bắt mồi; những
nấm, virus gây bệnh cho côn trùng hại bông,...
- Bảo vệ thiên địch bằng cách hạn chế phun
thuốc BVTV lên đồng ruộng.
- Một số loài thiên địch phổ biến trên
ruộng bông được chia thành các nhóm:
+ Nhóm côn trùng ký sinh gồm 20 loại, chủ yếu là các loại ong ký sinh như ong kén trắng Braconidac, ong cự Ichneumonidac, chúng luôn có tác động hữu hiệu trong việc điều tiết mật độ các loài sâu hại bông.
+ Nhóm côn trùng ăn thịt, gồm 30 loài,
trong đó đang kể là những côn trùng cánh cứng, bọ xít và ruồi. Thực ra thành
phần loài của nhóm này còn phong phú hơn nhiều và tác dụng của chúng cũng rất
lớn trên ruộng bông.
Một số loài thiên địch của sâu hại trên cây bông như: Nhện, bọ xít, bọ rùa, ruồi đen, chuồn chuồn cỏ...
2.3. Thường xuyên thăm đồng
ruộng
- Quan sát sự sinh trưởng của ruộng bông để
có biện pháp tác động thích hợp (điều tiết nước, bón phân...) giúp ruộng bông
phát triển tốt.
- Phát hiện mật độ sâu hại và thiên địch để
đánh giá mức độ cân bằng của chúng, từ đó có biện pháp xử lý thích hợp.
3. Nguyên lý của phòng trừ
dịch hại tổng hợp trên cây Bông vải
- Trong hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp
tất cả các biện pháp kỹ thuật tham gia cần phải hài hoà với các yếu tố môi
trường, đặc biệt cần khai thác tối đa các yếu tố gây chết tự nhiên của sâu hại.
Ví dụ: Sau các trận mưa to, mưa dầm dài ngày phần lớn
rệp bông bị chết.
- Sâu hại ở mật độ thấp không được xem là
dịch hại mà đôi khi còn có lợi vì nó là nguồn thức ăn để duy trì sự sống của
quần thể thiên địch. Chấp nhận một mật độ sâu hại nhỏ trên đồng ruộng là một ý
tưởng tốt.
- Không thể quan niệm quản lý dịch hại tổng
hợp là một qui trình cứng nhắc để áp dụng trong mọi trường hợp mà cần phải coi
đó như là một nguyên tắc cần phải tuân theo để xác định một giải pháp tối ưu
trong một tình huống cụ thể.
4. Các biện pháp phòng trừ
dịch hại tổng hợp trên cây Bông vải
4.1 Biện pháp canh tác cây
bông vải
Đây là một bộ phận quan trọng không thể
thiếu được trong hệ thống QLDHTH đối với bất kỳ một loại cây trồng nào. Các
khâu kỹ thuật trong quy trình canh tác nhằm cải thiện điều kiện sinh thái theo
hướng có lợi cho sự sinh trưởng của cây trồng để đạt năng suất cao, hạn chế
được sự phát triển của sâu bệnh và tăng khả năng đền bù của cây trồng đối với
các mất mát do sâu bệnh hoặc tác nhân khác gây ra.
Ưu điểm của biện pháp canh tác:
- Chi phí thấp, dễ áp dụng trong sản xuất
- Không ảnh hưởng đến môi trường
- Phát huy được hiệu quả nhanh 4.1.1Làm đất
và vệ sinh đồng ruộng
- Làm đất sớm và vệ sinh đồng ruộng sau mỗi
vụ gieo trồng để diệt trừ mầm mống sâu bệnh trong đất và trên tàn dư cây trồng.
Ví dụ:
+ Cày lật đất sớm có thể diệt được nhiều
sâu non và nhộng đục thân, sâu keo, bọ trĩ trên ruộng bông vải.
+ Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây
trồng có nghĩa là làm mất nơi cư trú của các loại rầy.
4.1.2. Luân canh, xen canh
- Luân canh, xen canh các loại cây
trồng khác nhau trên cùng một
mảnh đất là biện pháp rất có hiệu quả để
hạn chế sâu bệnh và cỏ dại.
- Khi luân canh sẽ cắt đứt mối quan hệ giữa
các sinh vật gây hại và cây chủ của chúng, từ đó hạn chế sự phát triển của sâu
bệnh .
Ví dụ: luân canh cây bông vải với cây lúa
nước.
- Trồng bông xen canh với đậu xanh để tăng
thêm nơi sinh sống cho quần thể thiên địch.
4.1.3. Chọn giống cây bông vải
- Chọn giống chống chịu sâu bệnh là một
biện pháp rất quan trọng trong IPM. Phương pháp này rất có hiệu quả trong việc
hạn chế sâu bệnh hại.
- Gieo trồng các giống có khả năng kháng
rầy.
Ví dụ: các giống L18, VN20
- Gieo trồng các giống bông lai để tăng sức
kháng sâu và tăng khả năng phục hồi khi bị sâu phá hoại.
Ví dụ:
Sử dụng cây bông lai F1 có khả năng phục
hồi tốt sau giai đoạn bị sâu hại.
Sử dụng giống bông có gen Bt kháng sâu miệng nhai
4.1.4. Thời vụ gieo trồng cây
bông vải thích hợp
- Nhằm giúp cho cây bông sinh trưởng, phát
triển tốt, đạt năng suất cao.
- Hạn chế được các rủi ro về thời tiết khí
hậu như mưa bão, ngập lụt, khô hạn, gió rét, sương muối...
Ví dụ: Ở Tây Nguyên cây bông được trồng
giữa mùa mưa (tháng 7,8) để khi bông chín gặp thời tiết nắng ráo, bông dễ nở,
phẩm chất tốt.
4.1.5 Mật độ khoảng cách gieo
trồng cây bông vải
- Mỗi giống đều có một mật độ khoảng cách
hợp lý để đạt năng suất cao.
- Mật độ khoảng cách phụ thuộc vào điều
kiện đất đai, đặc tính của giống, trình độ thâm canh và điều kiện khí hậu thời
tiết.
Ví dụ: Khi mật độ quá dầy tạo môi trường
thuận lợi (nơi cư trú, ẩm độ...) cho các loại rầy rệp phát triển gây hại.
4.1.6 Bón phân cân đối hợp lý
cho cây bông vải
- Phân bón là thành phần dinh dưỡng không
thể thiếu giúp cây trồng phát triển tốt và thông qua cây trồng có ảnh hưởng đến
sự phát sinh gây hại của nhiều loại sâu bệnh.
- Nhưng nếu bón nhiều phân hoặc bón không
cân đối, không đúng giai đoạn sinh trưởng sẽ làm cây phát triển không bình
thường và dễ bị sâu bệnh phá hại.
- Mỗi loại cây trồng có yêu cầu khác nhau
về tỷ lệ NPK. Bón nhiều N mà thiếu P,K cũng dễ làm cây bị bệnh. Phân chuồng và
các loại phân vi lượng có tác dụng giúp cây sinh trưởng khỏe, tăng tính chống
chịu sâu bệnh hại.
Ví dụ: Ruộng bông vải nếu bón không cân đối
giữa các loại phân, bón quá nhiều đạm cây bông dễ bị lốp đổ, đồng thời các loại
sâu bệnh dễ tấn công gây hại.
4.1.7 Chế độ nước cho cây bông
vải
- Nước là điều kiện sống của cây trồng.
- Các loại cây trồng khác nhau, các giai
đoạn sinh trưởng khác nhau thì nhu cầu về nước cũng khác nhau.
- Khi đầy đủ nước cây sẽ sinh trưởng phát
triển tốt, cho năng suất cao.
- Tuy nhu cầu về nước của cây bông rất cao
nhưng cây bông không chịu được úng ngập.
- Khi bị úng, rễ không phát triển được và
dễ bị các loại nấm bệnh gây hại do vậy cần có biện pháp điều tiết nước cho hợp
lý, không để cây bông bị thiếu hay thừa nước.
4.2. Biện pháp sinh học
Biện pháp sinh học là hoạt động của con
người nhằm sử dụng các sinh vật sống hoặc các tác nhân sinh học để phòng trừ
dịch hại.
Nó cũng bao gồm việc bảo vệ và tăng cường
hoạt động của các loại thiên địch trong tự nhiên.
4.2.1 Bảo vệ và tăng cường
hoạt động của thiên địch sẵn có
- Hạn chế tối đa việc phun thuốc.
- Chỉ sử dụng thuốc có tính độc thấp, thuốc
có nguồn gốc sinh học (BT, NPV...), tiến đến không sử dụng thuốc trừ sâu trên
đồng ruộng.
- Tạo nơi cư trú cho thiên địch: trồng xen
cây họ đậu …
- Các biện pháp kỹ thuật canh tác giúp duy
trì và phát triển thiên địch: mật độ gieo trồng thích hợp,...
4.2.2 Sử dụng các chế phẩm
sinh học
- Phần lớn các chế phẩm sinh học có nguồn
gốc VSV như: nấm, vi khuẩn, virus, tuyến trùng và nguyên sinh động vật.
- Các chế phẩm từ nấm như: Beauveria và
Metarhizum đang được thử nghiệm ở nước ta để trừ rầy nâu, châu chấu và một số
sâu hại khác.
- Các chế phẩm từ vi khuẩn phổ biến nhất
hiện nay là BT (Bacillus Thurigiensis) dùng để trừ sâu non bộ cánh phấn như:
sâu tơ, sâu keo da láng...
- Các chế phẩm từ virus ngày nay đang được
nghiên cứu và sử dụng trừ sâu rất có hiệu quả, đặc biệt là các virus nhân đa
diện (NPV). Chúng được phân lập từ kí chủ bị chết, nhân lên trong phòng thí
nghiệm để tạo thành chế phẩm NPV, có tác dụng cao để trừ sâu xanh hại bông, sâu
khoang, sâu keo da láng...
- Chế phẩm từ tuyến trùng và nguyên sinh
động vật cũng đang được nghiên cứu sử dụng như tuyến trùng Romanomermis Spp để
trừ ruồi đục nõn, sâu năn và ruồi đục lá hại lúa, tuyến trùng Neoplecta Spp để
trừ sâu tơ, sâu keo da láng...
4.3. Biện pháp hoá học
- Biện pháp hoá học không được khuyến khích
trong hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp của nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
- Đây là biện pháp cuối cùng khi đã sử dụng
hết các biện pháp nêu trên mà không thành công, sâu bệnh vẫn phát triển mạnh.
- Khi phải sử dụng thuốc BVTV cần chú ý:
+ Sử dụng thuốc theo ngưỡng kinh tế. Trong
thực tế khó xác định được ngưỡng kinh tế của một loại sâu bệnh hại, song ta nên
cố gắng chỉ phun khi thấy mật độ sâu đủ lớn và xu thế (căn cứ thời tiết, cây
trồng, tuổi sâu) còn tăng nữa thì mới phun. Lợi ích của việc này là tiết kiệm
chi phí ,giữ cân bằng sinh học trên đồng ruộng và giảm gây ô nhiễm môi trường.
Ví dụ: Kiểm tra quả bông nếu thấy có
>10% số quả bông có sâu hồng thì mới nên phun thuốc.
+ Sử dụng loại thuốc tương đối an toàn với
thiên địch. Nên sử dụng thuốc có phổ tác dụng hẹp hoặc các thuốc vi sinh.
Ví dụ: Dùng thuốc vi sinh: Dipel, Vicin-S,
NPV-Ha...để trừ sâu cuốn lá bông.
+ Cần phải chọn thời gian và phương thức xử
lý ít ảnh hưởng đến thiên địch.
Ví dụ: việc xử lý thuốc Regent cho hạt
giống để trừ bọ trĩ, dòi đục lá, sâu năn ...được đánh giá tốt vì ít ảnh hưởng
đến thiên địch.
+ Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng:
đúng thuốc, đúng nồng độ, liều lượng, đúng lúc và đúng cách.
Ví dụ:
Đúng thuốc: Thuốc trừ sâu và thuốc trừ bệnh
Đúng nồng độ, liều lượng: nếu nống độ thấp
thì không làm cho sâu hại bị chết, nếu nồng độ cao thì ô nhiễm môi trường và
độc hại với sức khỏe con người.
Đúng lúc: Phun vào thời điểm trứng mới nở
hoặc sâu non.
Đúng cách: Trong điều kiện ẩm ướt, rệp bông
rất khó phát sinh thành dịch nên không cần sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ.
Trong trường hợp cần phải phòng trừ thì chỉ cần phun cục bộ nơi có mật độ rệp
quá cao.
+ Không dùng thuốc hóa học vào đầu và giữa
vụ bông để bảo vệ và làm phong phú quần thể thiên địch kiềm chế sâu hại.
Chỉ phun 1-2 lần thuốc vào cuối vụ khi cần
thiết để trừ rầy xanh, bảo vệ bộ lá cho cây trồng ở giai đoạn cuối.
Một số loài thiên địch chính: nhện, ong mắt
đỏ, ong mắt vàng, bọ rùa, bọ xít ăn thịt,... hoạt động mạnh quanh năm, chúng có
thể khống chế được sâu hại, nhất là sâu xanh, sâu xanh bị thiên địch khống chế
từ 20-80%.
Thực tế sản xuất đã chứng minh lại IPM trên
cây bông có hiệu quả rất cao. Các loài dịch hại nguy hiểm như rệp bông, rầy
xanh và nhất là sâu xanh bị khống chế đến mức thấp nhất. Số lần phun thuốc chỉ
còn 1-2 lần cho một vụ bông, năng suất bông tăng lên hai lần so với trước kia,
chi phí về BVTV cho cây bông giảm từ 50-60% xuống còn 5-10% trong tổng giá
thành sản xuất bông hạt.
Nhận xét
Đăng nhận xét