Chuyển đến nội dung chính

Chính sách quyền riêng tư,

Kỹ thuật lên luống, gieo hạt trồng đậu tương (đậu nành) và lạc (đậu phộng)

 Kỹ thuật lên luống, gieo hạt trồng đậu tương (đậu nành) và lạc (đậu phộng)


1. Lên luống, rạch hàng hoặc bổ hốc trồng đậu tương (đậu nành)

1.1. Đối với vụ xuân

1.1.1. Đối với đất chuyên màu tưới tiêu thuận lợi

Khi tiến hành thâm canh cày sâu 15- 20cm, bừa 1-2 lần cho đất nhỏ và tơi xốp rồi nhặt sạch cỏ dại trước khi lên luống. Lên luống rộng 70-80 cm, rãnh luống rộng 30-40cm, chiều cao của luống 15 -20cm. Trên mặt luống rạch 2 hàng dọc theo chiều dọc của luống 2 hàng cách nhau 35-40cm. Độ sâu của rạch tùy theo tính chất đất đai và độ ẩm của đất.

Ví dụ: Đất đủ ẩm tơi xốp thì rạch hàng sâu từ 3-5cm. Ngược lại đất khô thì bà con nên đánh rạch sâu hơn để giữ ẩm cho đất.

1.1.2. Đất chuyên màu không thuận lợi cho việc tưới tiêu

Loại đất này là đất bãi ven song đối với vùng đồng bằng, đất nương rẫy, đất đồi đối với vùng trung du miền núi, đất vùng bán sơn địa không gieo cấy lúa xuân. Làm đất yêu cầu tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại. Chú ý khi lên luống phải đánh luống theo chiều dốc của ruộng, luống lên rộng 1,5- 2,0m, rạch hàng theo chiều dọc hoặcchiều ngang của luống, khoảng cách giữa các hàng từ 40-50cm.

Khi rạch hàng phải dựa vào độ ẩm của dất và tính chất đất đai.

Ví dụ: Đất ẩm thì lên rạch hàng nông còn đất khô hạn thì rạch hàng sâu

1.2. Lên luống, rạch hàng hoặc bổ hốc đối với đậu tương (đậu nành) vụ hè thu

Đậu tương (đậu nành) vụ hè thu bà con nên áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu đối với đất ướt tiến hành cày lật xá tạo luống cứ 7-8 xá cày tạo thành 1 luống, san phẳng mặt để bảo đảm thoát nước tốt.

Bề mặt luống rộng 1,2 m, rãnh rộng 30 - 40 cm, sâu 20 - 25 cm. Dùng đòn gánh hoặc thanh gỗ nặng hình tam giác chém ngang luống hoặc dùng cuốc tạo thành rạch ngang sâu 2 - 3 cm, rạch cách nhau 30 cm. Tra hạt theo hốc 2 - 3 hạt với khoảng cách hốc cách hốc 7 - 12 cm. Dùng số hạt thừa khoảng 100 gr, nên gieo thêm 1 m2 mạ ở đầu bờ để dặm sau 5 - 7 ngày khi gieo (khi cây con chưa có lá thật) dặm vào các chỗ khuyết mật độ.

1.3. Trồng đậu tương (đậu nành) đông bằng phương pháp gieo vãi

Đậu tương là cây dễ tính, thích hợp với nhiều chân đất, có tính chịu hạn tuy nhiên không chịu ngập úng. Việc chủ động lựa chọn vùng đất trước khi gieo trồng rất quan trọng.

- Ruộng trồng đậu tương phải chủ động điều tiết nước. Đảm bảo ruộng không bị khô, hạn, ngập úng. Đất có độ ẩm vừa phải, đảm bảo khi gieo hạt không bị ngập chìm sâu dưới đất nhưng bề mặt mặt phải được tiếp xúc nhiều với đất.

- Khi thu hoạch lúa bà con để lại gốc rạ càng cao càng tốt, đây là nguyên liệu che phủ cho đậu tương giúp giữ ẩm giúp hạt đậu tương  thuận lợi trong quá trình nảy mầm, mọc và phát triển sau này.

- Ruộng gieo đậu tương đất phải đủ ẩm, không nhão bùn, đi hơi dính chân là được. Đào rãnh xung quanh ruộng thuận lợi cho việc thoát nước.

- Chia ruộng thành các luống theo chiều thoát nước, luống rộng từ 1,5 - 2m. Dùng cuốc hoặc trâu bò cày tạo rãnh thoát nước giữa các luống để khi mưa thoát nước nhanh và không bị ngập úng gây thối hạt hoặc chết cây con.

- Đất ruộng lúa bằng phẳng, tưới tiêu chủ động có thể áp dụng phương pháp gieo thẳng vào gốc rạ. Cắt rạ sát gốc, dùng cày vét xung quanh ruộng, cày rạch luống thoát nước, cứ 1,5 m/luống, mỗi gốc rạ tra 2 hạt, dùng hỗn hợp đất trộn phân úp lên trên, sau 3 - 4 ngày hạt sẽ mọc. Cách này tuy nhanh, nhưng năng suất thấp hơn cách làm đất tối thiểu, nếu gặp mưa to dễ gây úng, khó thoát nước.

Đối với ruộng có đủ độ ẩm theo tiêu chuẩn thì bà con tiến hành gieo vãi đều hạt đậu tương sau đó dùng bánh lồng hoặc thùng phi đè dập rạ để giữ độ ẩm cho hạt nảy mầm.

- Đối với chân ruộng khô: nếu có điều kiện thì tưới chàn một lần rồi tháo nước sau đó gieo hạt và dùng máy cày con hoặc thùng phi để dập rạ như trên (nếu không có điều kiện tưới tràn thì có thể gánh nước tưới đều hoặc dùng bình bơm thuốc sâu phun cho ướt đều mặt ruộng để giữ độ ẩm cho hạt nảy mầm được thuận lợi).

- Đối với chân ruộng còn sụt bùn: phải tiến hành làm luống như luống mạ để thoát hết nước sau đó tiến hành gieo hạt và dùng liềm cắt gốc rạ để phủ kín hạt cho hạt nảy mầm được thuận lợi.

- Đối với chân ruộng bị khô, không có điều kiện tưới nước: Thì chạy máy lồng dập rạ trước một lần rồi mới gieo hạt, khi gieo xong lại chạy lại lần nữa; nếu gặp trời hanh khô cần phải tưới nước đủ ẩm để tạo điều kiện cho hạt nảy mầm được tốt hơn.

Hiện nay, gieo đậu tương đông trên đất 2 lúa theo phương pháp không làm đất có 2 cách là gieo trực tiếp vào gốc ra và gieo vãi trên mặt luống.

- Gieo hạt vào gốc rạ: Áp dụng những chân ruộng cắt rạ sát gốc. Mỗi gốc rạ tra 1-2 hạt. Ưu điểm: Gieo trồng đảm bảo được mật độ và dễ chăm sóc giai đoạn cây con. Nhược điểm: Nếu tra hạt vào giữa gốc rạ hạt không tiếp xúc với đất sẽ khô và chết. Sau khi gieo bà con nên dùng đất bột (hoặc trộn lẫn với trấu) để lấp gốc kín gốc rạ. Bà con có thể dùng rạ để phủ kín mặt luống để hạt không bị khô để đảm bảo mật.

- Gieo vãi: Vãi đều hạt trên mặt luống đảm bảo mật độ 45-50 cây/m2.

Sau đó dùng liềm cắt sát gốc rạ để phủ kín hạt cho hạt nảy mầm được thuận lợi. Phương pháp gieo hạt này nhanh nhưng dễ bị trôi hạt nếu như gặp mưa to sau khi gieo.

2. Lên luống, rạch hàng hoặc bổ hốc trồng lạc (đậu phộng)

2.1. Đối với vụ xuân

Đất thích hợp nhất là đất có thành phần cơ giới là thịt nhẹ chủ động tưới, dễ thoát nước. Cày sâu 25-30 cm, bừa kỹ và nhặt sạch cỏ dại trước khi lên luống rạch hàng. Luống rộng 1,3 m (cả rãnh), sau khi lên luống hoàn chỉnh đảm bảo mặt luống rộng 1,0 m được gieo thành 4 hàng dọc theo chiều dài luống.

Hiện nay ở một số địa phương có tập quán trồng lạc (đậu phộng) theo hàng thì bà con rạch hàng, khoảng cách hàng cách hàng 25 cm và hốc cách hốc 18-20 cm gieo 2 hạt/hốc. Còn nếu bà con bổ hốc thì không cần rạch hàng mà chỉ bổ hốc theo mật độ khoảng cách tương tự như cách rạch hàng.

Đối với đât bãi bằng phẳng có thể trồng thành băng rộng 2-3 m, sau đó rạch hàng gieo, giữa các băng nên có rãnh thoát nước. Hạt lạc (đậu phộng) sau khi gieo được phủ 1 lớp đất dày 3-5 cm, đất phải đảm bảo đủ ẩm sau khi gieo.

Để thoát nước tốt cũng như tưới khi cần thiết và sử dụng nguyên lý hiệu ứng hàng rìa, tốt nhất nên làm luống rộng 0,6m, rãnh 0,3m. Rãnh cao 10-12cm.

Gieo hai hàng dọc luống cách mép luống 10-15cm, khoảng cách: hốc x hốc = 13-15 cm, mỗi hốc 2 hạt. Nếu đất cát pha thoát nước tốt có thể làm luống rộng 1m, rãnh 0,3m, rãnh cao 7-10cm. Gieo 4 hàng dọc luống khoảng cách: Hốc x hốc = 18-20 cm/hốc, mỗi hốc 2 hạt.

2.2. Đối với vụ hè thu

Đất trồng lạc (đậu phộng) phải đảm bảo độ đồng đều, đồng ruộng cao, mặt luống phẳng không úng cục bộ, đất tơi xốp, nhỏ, sạch cỏ dại, tia quả đâm xuống đất cũng như thu hoạch dễ dàng, giảm tỷ lệ đứt tia, sót quả khi thu hoạch. Sau khi cày bừa xong tiến hành lên luống. Chiều rộng 1 - 1,2 m. Chiều cao 15 - 30 cm.

Rãnh rộng 20 - 30 cm

Trên đất cát ven sông, bãi phù sa tiến hành trồng lạc (đậu phộng) theo băng rộng: 2,5 - 3 m và giữa các băng để rãnh rộng: 20 - 30cm

2.3. Đối với vụ thu đông

Trồng lạc (đậu phộng) thu đông nhằm cung cấp nguồn giống cho vụ xuân năm sau vì thế nó sẽ rút ngắn thời gian bảo quản giống. Thời gian bảo quản giống lạc (đậu phộng) thu - đông chỉ có 1 - 2 tháng trong điều kiện nhiệt độ thấp và khô của mùa đông. Nên lạc (đậu phộng) thu đông để giống có sức nảy mầm cao.

Giảm lượng giống phải chuẩn bị ở vụ xuân, nên tăng lượng lạc (đậu phộng) hàng hoá của lạc (đậu phộng) xuân. Vì hệ số nhân của lạc (đậu phộng) thấp chỉ khoảng 10 - 12%, nếu để lạc (đậu phộng) xuân làm giống cho vụ sau thì cần lượng giống chiếm 10% sản lượng. Nhưng để lạc (đậu phộng) thu đông làm giống thì chỉ cần 1 - 2% sản lượng. Do đó làm tăng đáng kể lượng lạc (đậu phộng) thương phẩm.

Do tránh được điều kiện thời tiết khí hậu không thuận lợi khi gieo hạt. Khi ra hoa, hình thành quả thuận lợi nên năng xuất lạc (đậu phộng) thu đông thường cao hơn lạc (đậu phộng) thu, hạt mẩy hơn nên ngoài việc sử dụng là giống còn có thể sử dụng làm lạc (đậu phộng) thương phẩm. Khả năng mở rộng diện tích lạc (đậu phộng) thu đông lớn hơn nhiều so với lạc (đậu phộng) hẻ thu.

Gieo hạt cuối tháng 8 đầu tháng 9 thu hoạch cuối tháng 12 đầu tháng 1. Thời kỳ này điều kiện thời tiết thuận lợi. Giai đoạn từ gieo đến ra hoa nhiệt độ không cao 25 - 280C, ẩm độ đồng ruộng phù hợp do đó cây lạc (đậu phộng) đủ điều kiện sinh trưởng dinh dưỡng.

Giai đoạn ra hoa đâm tia gặp điều kiện nhiệt độ 23 - 240C, lượng mưa vừa đủ thích hợp nên thuận lợi cho quá trình hình thành và phát triển của quả. Thời kỳ phát triển quả vào tháng 11 chưa phải lúc khô gay gắt nhất.

Sang thời kỳ chín nhiệt độ xuống thấp ít gây ảnh hưởng đến năng xuất. Lạc (đậu phộng) thu đông thu hoạch vào cuối tháng 12 đầu tháng 1 mùa khô thuận lợi cho việc phơi và bảo quản. Vụ thu đông phủ nilon trước khi gieo hạt nên khi lạc (đậu phộng) bắt đầu mọc chú ý quan sát đề phòng khi gieo hạt bị lấp trong nilon, cây con dễ bị hỏng khi nhiệt độ đất lên cao.

lạc (đậu phộng) trồng bằng kỹ thuật che phủ nilon không cần xới xáo, làm cỏ nhưng cũng phải chú ý vét cỏ rãnh (nếu có) và khi hạn cần tưới nứơc vào rãnh để lạc (đậu phộng) sinh trưởng, phát triển tốt đạt năng suát cao.

Vụ thu đông lạc (đậu phộng) dễ nhiễm bệnh đốm đen, bệnh gỉ rắt nên chú ý phun phòng thuốc trừ bệnh hại lá làm rụng lá sớm và hạn chế khả năng chín của lạc (đậu phộng).

4. Ảnh hưởng của mật độ, khoảng cách đến khả năng sinh trưởng phát triển của cây đậu tương và lạc

4.1. Đối với cây đậu tương (đậu nành)

Bố trí mật độ khoảng cách hợp lý là nhằm sử dụng hiệu quả nhất về đất đai, dinh dưỡng và ánh sáng để đạt năng suất cao nhất. Xác định mật độ khoảng cách hợp lý để tạo mối quan hệ tốt giữa các cá thể và quàn thể cho năng suất cao nhất Nếu gieo trồng dày quá dẫn đến hiện tượng che khuất giữa các tầng lá, cây bị vóng, lốp, số lượng hoa quả ít dẫn đến năng suất thấp. Ngước lại nếu trồng thưa quá không đảm bảo số cây trên đơn vị diện tích, gây lãng phí đất đai cuối cùng năng suất không cao. Việc xác định mật độ khoảng cách hợp lý phải dựa vào các cơ sở khoa học sau:

* Đặc điểm của giống

Những giống có thời gian sinh trưởng dài, phân cành mạnh thì trồng thưa. Ngược lại những giống có thời gian sinh trưởng ngắn, ít phân cành thì cho phép trồng dày hợp lý nhằm tăng năng suất.

* Thời vụ gieo trồng

Thời vụ nào có điều kiện nhiệt độ, ánh sáng và lượng mưa thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây đậu tương thì trồng thưa hơn và ngược lại.

Ví dụ: Đối vụ xuân, hè ở các tỉnh miền Bắc trồng thưa hơn vụ đông.

* Đất đai và trình độ canh tác

Đối với đất giàu dinh dưỡng, chủ động độ ẩm, đất phù sa ven sông thì sẽ trồng thưa hơn đất nghèo dinh dưỡng, bạc màu và thường bị khô hạn. Đối với

những nơi có nhiều phân chuồng, có trình độ thâm canh cao thì trồng thưa và ngược lại.

4.2. Đối với cây lạc (đậu phộng)

Mật độ hợp lý đối với cây trồng là mật độ cho phép cỏ thể đạt năng suất thu hoạch tối đa trên một đơn vị diện tích. Năng suất của cây lạc được xác định theo công thức sau:

Năng suất = số quả/cây X trọng lượng TB quả X Số cây/ đơn vị diện tích.

Đây là 1 phương trình cân bằng sinh học có mối quan hệ nghịch giữa mật độ (số cây /đơn vị diện tích) với các yếu tố của năng suất cá thể. Tuy nhiên, cân bằng này biểu diễn bằng một đường cong sinh học. Mật độ hợp lý sẽ là mật độ cho tích số trên có giá trị cao nhất. Khi đó các giá trị về chỉ số diện tích lá, trọng lượng khô tích luỹ của quần thể cũng đạt trị số thích hợp nhất, yếu tố động dễ tác động nhất vào hệ cân bằng này là mật độ. Tác động vào mật độ là yếu tố kỹ thuật quan trọng để đạt năng suất lạc.

Trong thực tế sản xuất hiện nay, mật độ lạc thu hoạch thực tế trên đồng ruộng thường thấp nên đã hạn chế nhiều đến năng suất của lạc. Muốn đạt năng suất trên 2 tạ/ha các giống lạc đang gieo trồng ở các địa phương phải đảm bảo mật độ 30-35 cây/m2 mặt luống. Khoảng cách hàng cách hàng thích hợp cho các vùng trồng lạc là 30-40cm và tương ứng hócc cách hốc 15-20cm. Tuy nhiên việc xác định mật độ, khoảng cách còn phụ thuộc vào tập quán canh tác của bà con ở từng địa phương khác

5. Quy cách gieo hạt của cây đậu tương và lạc

5.1. Quy cách gieo hạt cây đậu tương

5.1.1. Gieo theo hàng hoặc hốc

Sau khi lên luống xong dùng cuốc san phẳng mặt luống rồi rạch hàng theo chiều dọc hoặc ngang với mật độ và khoảng cách quy định. Bón lót phân chuồng và supelân rồi gieo hạt theo hàng hoặc theo hốc, cuối cùng dùng đất bột để lấp hạt độ sâu lấp hạt 3 - 5cm tuỳ theo nhiệt độ và độ ẩm của đất.

5.1.2. Gieo vãi

Phương pháp gieo vãi đậu tương đông phải đượcgieo trên những chân ruộng không bị khô hạn, ngập úng. Đất có độ ẩm vừa phải hạt không bị chìm sâu xuống đất nhưng hạt cũng phải tiếp súc với đất và được phủ bằng rơm rạ. Diện tích trồng đậu tương sau khi thu hoạch lúa để lại gốc rạ càng cao càng tốt để phủ kín hạt sau khi gieo.

Đối với ruộng lúa mùa trước thu hoạch 5 -7 ngày khẩn trương rút nước trong ruộng. Nếu ruộng có nước cứ cách 2- 2,5m tạo rãnh để dẫn thoát nước đồng thời làm lối đi lại để tiện chăm sóc. Không nên để rãnh quá rộng sẽ làm khô ruộng đậu tương trong giai đoạn khô hạn ở cuối vụ.

Để đảm bảo mật độ nên chia hạt giống theo luống và gieo làm 2 lần. Gieo vãi đều trên mặt luống. đối với chân ruộng có độ ẩm vừa phải ngay sau khi gieo vãi hạt xong dùng máy cày Bông Sen lắp bánh lồng và bàn trượt chống lún chạy 1 lượt để đè rạ và vùi hạt đậu tương lấp kín hạt. Đối với ruộng khô trước khi gieo phải tưới nước láng qua mặt ruộng rồi rút kiệt nước ngay sau đó mới gieo hạt và dập rạ. Trong trường hợp ruộng ướt và lầy bùn thì phải làm rãnh thoát nước rồi dùng máy cày dập rạ trước sau đó mới gieo hạt để tránh cho hạt không bị úng. Cuối cùng cho máy cày chạy lần 2 để lấp kín hạt.

2.2. Quy cách gieo hạt cây lạc

Cày bừa làm đất tơi xốp nhặt sạch cỏ dại, tiến hành lên luống theo kích thước đã quy định, sau đó rạch hàng hay bổ hốc theo mật độ, khoảng cách định trước, rồi bón lót phân chuồng, phân lân lấp một lớp đất mỏng kín phân song gieo hạt theo hàng hoặc hốc sau đó lấp kín hạt độ dày lớp hạt 4 – 6cm tuỳ theo độ ẩm của đất và thời vụ gieo trồng.

6. Ảnh hưởng của độ sâu lấp hạt đến khả năng sinh trưởng phát triển của cây đậu tương và lạc.

Độ sâu lấp hạt có ảnh hưởng trực tiếp thời gian nảy mầm của hạt giống và chất lượng cây con từ đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng phát triển của cây đậu tương sau này. Chính vì vậy khi gieo trồng đậu tương bà con cần chú ý xác định độ sâu lấp hạt thích hợp cho từng mùa vụ, từng loại đất nhằm giúp cho hạt nảy mầm nhanh và thuận lợi

Đối với chân đất đủ ẩm độ sâu lấp hạt thích hợp từ 3 - 5 cm, đối với đất khô không đủ ẩm khi lấp hạt độ sâu từ 5 -7 cm. Chú ý không để hạt giống tiếp súc trực tiếp với phân hoá học. Ngược lại gieo trên đất ướt trong vụ hè hoặc vụ đông chỉ cần lấp hạt sâu 2-3 cm là được. Thậm chí bà con sử dụng phân chuồng hoai mục cùng với lân, tro bếp hoặc đất bột để lấp hạt càng tốt giúp cho hạt nhanh mọc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hướng dẫn trồng và chăm sóc mướp hương (Luffa Plant)

  Sơ lược về cây mướp Mướp hương (  Luffa aegyptiaca)  là một loại bầu lớn, thời gian phát triển lâu hơn nhiều so với các  loại bầu  khác  , khoảng 90 đến 120 ngày.  Và một khi quả đã đạt đến kích thước trưởng thành, bạn cần tính toán trong vài tuần để nó phát triển các sợi bên trong dai và khô trên cây nho trước khi bạn có thể thu hoạch.  Đó là tổng số 150 đến 200 ngày ấm áp, không có sương giá. Điều bạn có thể chưa biết về mướp là khi còn non và mềm, mướp là loại rau ăn được trong họ dưa leo, có thể ăn sống hoặc nấu chín.  Tuy nhiên, trái cây phát triển quá nhanh, khoảng một inch rưỡi mỗi ngày, nên rất khó để thu hoạch đúng thời gian, vì vậy tốt nhất bạn nên trồng mướp để lấy bọt biển và để chúng phát triển dài khoảng hai feet. Bởi vì dây leo bằng lăng có thể đạt chiều dài lên đến 30 feet(9m), nên trồng chúng trên giàn là tốt nhất, và không chỉ vì lý do không gian.  Mướp được trồng trên mặt đất có xu hướng cong lên, và giữ cho dây leo và quả trên mặt đất và khô sẽ giảm nguy cơ bị bện

Cách trồng và chăm sóc bèo cái (Water Lettuce)

  Trồng và chăm sóc bèo cái Như tên gọi của nó, bèo cái là một loại thực vật  nổi trong  ao  với những chiếc lá hình hoa thị  giống như đầu của cây rau diếp.  Mỗi lá đều có gân sâu và các gân song song, mép hình vỏ sò, không có thân đáng kể.  Mặc dù không sặc sỡ, nhưng cây  bèo cái  lại tạo ra những bông hoa nhỏ màu trắng hoặc xanh nhạt ẩn trong những tán lá.  Nó nở hoa từ cuối mùa hè đến cuối mùa thu. Bèo cái  có thể được sử dụng trong vườn nước, ao hồ, hoặc các thùng chứa cả  trong nhà  và ngoài trời.  Tán lá của loài cây này chỉ cao khoảng 6 inch 12cm, nhưng hệ thống rễ dày đặc của nó dưới nước có thể sâu tới 20 inch 40cm.  Nó là một loài sinh trưởng rất nhanh sau khi trưởng thành và được coi là một loài thực vật xâm lấn  ở một số khu vực nhất định.  Chăm sóc  Bèo cái   Để thêm  Bèo cái    vào ao hoặc vườn nước, chỉ cần rải loại cây nổi này trên mặt nước vào mùa xuân.  Tốt nhất, hãy chọn chỗ không có dòng chảy, vì những cây này không phát triển tốt khi bị đẩy qua mặt nước.  Nếu có d

Cây phát tài và ảnh hưởng đến chất lượng không khí.

  Cây phát tài có thể ảnh hưởng đến chất lượng không khí theo một số cách sau: Tạo oxi: Tất cả các loại cây, bao gồm cả cây phát tài, thực hiện quá trình quang hợp để sản xuất oxi trong quá trình hô hấp. Qua quá trình này, cây phát tài liệu giải phóng oxi vào không khí xung quanh, giúp cải thiện chất lượng không khí và cung cấp một nguồn oxi tươi mát. Hấp thụ các chất gây ô nhiễm: Cây phát tài có khả năng hấp thụ một số chất gây ô nhiễm như khí thải oxit, khí amoniac và một số chất hữu cơ trong không khí. Nhờ khả năng hấp thụ này, cây phát tài giúp làm sạch không khí xung quanh và làm giảm mức độ ô nhiễm. Làm giảm nhiệt độ: Cây phát tài tạo bóng mát và hấp thụ nhiệt từ ánh nắng mặt trời. Nhờ đó, cây phát tài giúp giảm nhiệt độ xung quanh và làm mát môi trường. Điều này có thể giúp cải thiện chất lượng không khí và tạo ra môi trường sống thoải mái hơn. Giảm chất lượng không khí bên trong: Cây phát tài có khả năng hấp thụ một số chất gây ô nhiễm như formaldehyde, benzen và các chất hữu c