- Nhận đường liên kết
- Ứng dụng khác
Trong chi chè hay gọi là trà ( Camellia) thuộc họ chè ( Theaceae) có khoảng 300 loài nhưng trà hoa vàng là loài rất quý hiếm, có giá trị kinh tế và có tác dụng chữa bệnh. Trên thế giới, trà hoa vàng chỉ mới được phát hiện ở Việt Nam và Trung Quốc.

Tại nước ta có các loại trà hoa vàng:
- Camellia chrysantha ( Hu) Tuyama: có tại tỉnh Quảng Ninh. Ở Trung Quốc loài này có tại huyện Ung Nhinh, Nam Ninh, Quảng Tây.
- Camellia petelotii: có tại Vườn quốc gia Tam Đảo.
- Camellia dormoyana ( Pierre ex Laness) Sealy có tại tỉnh Lâm Đồng.
Tại Lâm Đồng, các quần thể trà hoa vàng được phát hiện tại vườn Quốc gia Cát Tiên, vườn Quốc gia Bidoup- Núi Bà và tại rừng tái sinh thuộc huyện Đạ Huoai. Theo các tài liệu để lại, thì cây trà hoa vàng Camellia dormoyana là loại trà hoa vàng đầu tiên được phát hiện trên thế giới do người Pháp tìm ra tại tỉnh Đồng Nai nước ta vào thập niên đầu thế kỷ XX và đã được công bố trên Thực vật chí Đông Dương.
Trà hoa vàng là cây thân gỗ nhỏ, cao khoảng 2m, cành thưa, vỏ cây màu xám nhạt. Lá đơn, mọc cách, phiến thuôn, không lông, mép có răng cưa nhỏ. Hoa mọc ở nách lá, màu vàng đậm. Quả nang, mùa hoa từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Trà hoa vàng ưa khí hậu nóng ẩm, thường mọc bên bờ suối có bóng râm, thoát nước tốt, từ độ cao 200m trở lên.
Như các loại trà khác, trong trà hoa vàng có tinh dầu, polyphenolic, các alcaloid, các vitamin,… ngoài ra nó còn chứa các nguyên tố như Se, Ge, Mo, Mn, V,Zn có tác dụng trong việc bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa ung thư, củng cố tính đàn hồi của thành mạch, điều hòa các enzym hoạt hóa cholesterol.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu thử nghiệm trên động vật trà hoa vàng có tác dụng được lý như sau:
- Có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8% trong khi y học cho rằng chỉ cần đạt đến ngưỡng 30% đã có thể được xem là thành công trong điều trị ung thư.
- Giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu mà nếu dùng các loại thuốc khác thì mức độ chỉ giảm 33,2%.
- Làm giảm tới 36,1% lượng lipoprotein trong máu, cao hơn 10% so với các liệu pháp chữa trị bằng thuốc Tây y khác.
- Có hiệu quả trong việc chữa trị xơ cứng động mạch do lượng mỡ trong máu cao.
- Có tác dụng điều hòa huyết áp, làm giảm huyết áp trong bệnh cao huyết áp.
- Giúp hạ đường huyết làm giảm lượng nhân đái tháo đường.
Ngoài ra, trà hoa vàng còn có khả năng chữa chứng táo bón, tiểu tiện khó, co thắt dạ con và một số bệnh về đường hô hấp.

Tại Quảng Tây, Trung Quốc người ta dùng lá trà hoa vàng chữa bệnh kiết lỵ.
Tại hội nghị quốc tế về Camellia chrysantha được tổ chức năm 1994 tại Nam Ninh, Trung Quốc, 120 nhà khoa học trên thế giới tham dự đã khẳng định tác dụng chữa bệnh của trà hoa vàng.
Cây trà hoa vàng còn được dùng làm cây cảnh vì cây lá thường xanh và hoa to và đẹp. Hoa có thể chữa đại tiện ra máu và làm chất màu thực phẩm. Hạt có thể ép dầu. Gỗ cứng có thể làm hàng mỹ nghệ hoặc đồ dùng gia đình.
Tại Trung Quốc đã xây dựng vườn Camellia quốc tế, trồng nhân tạo vùng trà hoa vàng rộng hàng chục hecta làm nguyên liệu để sản xuất ra các thành phẩm thuốc và thực phẩm chức năng để sử dụng và xuất khẩu như Superior tea, Golden Camellia…
Tại vườn Quốc gia Tam Đảo đã trồng và nghiên cứu về nhân gen mã hóa RARN 5,8s ở loài trà hoa vàng Camellia petelotii.
Trà hoa vàng là loại cây quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, phân bố trong tự nhiên rất hẹp nên các nhà khoa học đang khuyến cáo trước mắt chủ yếu là bảo tồn tại chỗ, đồng thời nghiên cứu di thực trồng khảo nghiệm tại Đà Lạt, Tam Đảo và sau đó nhân giống ( giâm cành) để trồng quy mô lớn.
Nhận xét
Đăng nhận xét